Tinh hoàn ẩn cần điều trị sớm

Tinh hoàn ẩn là một dị tật thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng hầu hết chỉ ẩn một bên. Tình trạng này có thể gây vô sinh và ung thư tinh hoàn.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, tỷ lệ tinh hoàn ẩn chiếm 33% ở bé trai sinh non, 3,4% ở trẻ sinh đủ tháng. Đây là tình trạng tinh hoàn không nằm đúng vị trí (trong bìu) khi trẻ đã được sinh ra mà nằm trong ổ bụng hoặc trên đường di chuyển từ bụng qua ống bẹn, xuống bìu.

Trong một lần tắm cho cu Tuấn, chị Hoa (Xuân Trường, Nam Định) giật mình khi thấy tinh hoàn cậu con trai mới 6 tháng tuổi chỉ có ở bìu bên trái mà không thấy bên kia đâu. Đưa con đi khám tại Bệnh viện tỉnh, chị được biết con mình bị tinh hoàn ẩn và phải mổ. Nghĩ con còn bé, phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm nên chị Hoa lẳng lặng bế con về nhà và định bụng sẽ cho phẫu thuật khi con lớn hơn một chút. Khi Tuấn được 5 tuổi, chị chết ngất khi bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thông báo tinh hoàn ẩn đã gây ra khối u ác tính trong bụng của bé.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, hội viên Hội Nam học Mỹ, cho biết, hai tinh hoàn bắt đầu được hình thành khi có sự nhập lại của tế bào mầm ưu thế thành dây tinh hoàn trong ụ sinh dục từ giai đoạn sớm của bào thai. Sự phát triển của tuyến sinh dục tinh hoàn bắt đầu từ tháng thứ hai của quá trình thai nghén. Trong những tháng tiếp theo, tinh hoàn tiếp tục phát triển và biệt hóa. Đến tháng thứ bảy, nó bắt đầu quá trình đi xuống bìu và thường "đến đích" vào cuối tháng thứ chín. Một số trường hợp chưa xuống hết sẽ tiếp tục đi xuống trong những tháng đầu của thời kỳ nhũ nhi. Chính vì thế, trẻ đẻ non thường bị tinh hoàn ẩn.

Ngoài nguy cơ vô sinh, các trường hợp bị tinh hoàn ẩn còn có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao gấp 40 lần người bình thường. Quá trình ung thư thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi 30 - 40.

Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, chỉ cần sờ bìu của trẻ là có thể phát hiện tinh hoàn ẩn, và điều quan trọng là phải phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ gặp các biến chứng nặng nề. Thời điểm điều trị tinh hoàn ẩn tốt nhất là trước một tuổi vì có nhiều bằng chứng cho thấy tế bào sinh tinh không bị tổn thương ở giai đoạn này.

Hiện có hai phương pháp điều trị tinh hoàn ẩn: điều trị nội tiết và phẫu thuật. Trong điều trị nội tiết, bệnh nhân sẽ được tiêm HCG (Pregnyl) trong 8 tuần và theo dõi sự di chuyển của tinh hoàn. Nếu sau vài tháng, tinh hoàn không xuống thêm thì bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật. Hiệu quả của phương pháp điều trị nội tiết là 10% - 40%.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Vài giờ sau mổ, bệnh nhân có thể xuất viện. Trường hợp bác sĩ phát hiện có tế bào bất thường hoặc không thể kéo tinh hoàn xuống được sẽ phải cắt tinh hoàn để tránh nguy cơ ung thư sau này.

Để phát hiện sớm tinh hoàn ẩn ở trẻ nhỏ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ khi tắm cho trẻ nên để ý xem trẻ có đủ hai bên tinh hoàntinh hoàn có nằm đúng vị trí trong bìu hay không. Nếu không thấy, dù chỉ một bên, cũng phải đưa trẻ đến khám ngay tại cơ sở y tế chuyên khoa nhi.

Có thể bạn muốn xem thêm về sức khỏe nam giới hay sức khỏe đời sống .

- (Theo Baodatviet.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến